Theo WHO và UNICEF khuyến cáo, trẻ dưới 6 tháng tuổi nếu bú mẹ hoàn toàn thì không cần uống nước, bởi các lý do:
80% sữa mẹ là nước
Trẻ sơ sinh thường bú 8 – 12 lần mỗi ngày nên sữa mẹ đã cung cấp đầy đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày cho con. Người cần uống nước không phải là con mà chính là mẹ vì sẽ giúp lượng sữa mẹ về dồi dào hơn. Nếu thấy bé có dấu hiệu khát, mẹ chỉ cần cho bé bú, lượng nước trong sữa sẽ vừa giúp con giải khát, vừa cung cấp dinh dưỡng cho con.
Nước trong sữa mẹ là “nước sạch”
Lượng nước trong sữa được lọc bởi hệ miễn dịch trưởng thành của mẹ nên rất “sạch”, đảm bảo vệ sinh. Trong khi đó, đường ruột của con vẫn còn yếu kém, uống nước ngoài (có thể chứa bụi bặm, vi trùng, chất có hại…) sẽ làm tăng nguy cơ tiêu chảy, nhiễm trùng ở trẻ, dẫn tớ nhiều biến chứng nguy hiểm.
Trẻ dễ ọc trớ nếu uống nước do dạ dày còn nhỏ
Sau khi trẻ đã ăn no, nếu uống thêm nước sẽ dễ bị ọc sữa do dạ đay không chứa đủ cả lượng sữa và nước. Trẻ uống càng nhiều nước thì bú mẹ càng ít nên có một số trường hợp trẻ bị chậm tăng cân, thậm chí sụt cân.
Về phía người mẹ, nếu trẻ bú ít lại, ngực còn căng, cơ thể sẽ nghĩ con đủ sữa và sản xuất sữa ít lại, dần dần mẹ sẽ ít sữa rồi mất sữa.
—————————
Đối với trẻ bú sữa công thức, lượng nước dùng để pha sữa cho con uống mỗi ngày thường dao động trong khoảng 500 – 1000ml, tức là đã đủ nhu cầu nước cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, vì vậy trẻ cũng không cần phải uống thêm nước nữa.
Ba mẹ chỉ nên cho trẻ uống nước khi bắt đầu ăn thô (thường sau 6 tháng tuổi), nhu cầu mỗi ngày khoảng 80 – 250ml.