MẸ ĐÃ DỰ ĐỊNH CHO TRẺ ĂN DẶM THEO PHƯƠNG PHÁP NÀO CHƯA?
Bé yêu đã sắp 6 tháng tuổi và gần tới giai đoạn tập ăn dặm, mẹ đã xác định được phương pháp ăn dặm sẽ để trẻ theo hay chưa?
Hãy cùng tham khảo 3 PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM PHỔ BIẾN mà các mẹ Việt Nam hay áp dụng cho bé, với từng ưu điểm, nhược điểm cụ thể để mẹ dễ dàng lựa chọn nhé!
ĂN DẶM TRUYỀN THỐNG
Đây là phương pháp đặc trưng với cách nấu bột, cháo lẫn với thịt, rau thành một bữa ăn đủ dinh dưỡng cho bé; tiến độ ăn thô đi dần dần từ bột đến cháo vỡ, cháo nguyên hạt, đến cơm nát và cơm như người lớn, kéo dài từ 6 tháng đến khi bé được khoảng 2 tuổi. Bé thường được cho ăn trước hoặc sau bữa ăn của cả nhà nên bữa ăn thường kéo dài
ƯU ĐIỂM:
– Đảm bảo cho bé bữa ăn đủ dinh dưỡng, đủ cả 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin – khoáng chất
– Dạ dày bé không phải làm việc quá sức sớm
– Việc chế biến của mẹ cũng không mất quá nhiều thời gian
NHƯỢC ĐIỂM:
– Bé khó cảm nhận được mùi vị riêng của từng loại thức ăn, dẫn tới chóng ngán
– Bé biết ăn thô muộn, nhất là khi mẹ không để ý đến việc tăng độ thô thức ăn dần dần cho bé
– Bé không có thói quen ăn uống tập trung
ĂN DẶM KIỂU NHẬT
Đây là phương pháp chú trọng chế biến riêng từng loại thức ăn, tinh bột, rau củ, thịt cá đều nấu thành món chứ không trộn lẫn vào nhau. Ăn dặm kiểu Nhật khuyến khích bé ăn thô sớm, 1 tuổi đã có thể ăn cơm
ƯU ĐIỂM:
– Bé có thể cảm nhận được mùi vị riêng của từng loại thức ăn
– Bé có khả năng ăn thô sớm
– Cho bé ăn nhạt
– Cho bé ngồi ghế ăn, ăn tập trung, không ăn rong, không vừa ăn vừa chơi, không ép ăn
NHƯỢC ĐIỂM:
– Mẹ mất nhiều thời gian nấu nướng chế biến, do các mẹ ở Nhật sau khi sinh thường nghỉ hẳn ở nhà nên có điều kiện thực hiện theo phương pháp này
– Giai đoạn đầu tập cho bé ăn đủ các nhóm dinh dưỡng khá khó khăn nên bé có thể tăng cân chậm
– Mẹ phải chịu nhiều áp lực từ gia đình và người xung quanh do không hiểu đúng về phương pháp này
ĂN DẶM BÉ CHỈ HUY (Baby Led Weaning)
Phương pháp này phổ biến ở các nước Châu u và Mỹ, đặc trưng của cách này cho bé ăn thô như người lớn ngay từ đầu, không nấu cháo, nấu bột. Bé ăn cùng bàn, cùng bữa với người lớn, không dùng thìa dĩa, mẹ chỉ bày một số món ra và bé sẽ quyết định ăn gì
ƯU ĐIỂM:
– Bé tập ăn thô sớm
– Bé sớm khám phá được mùi vị, màu sắc, kết cấu của từng loại thức ăn
– Bé sớm hình thành thói quen ăn tự giác, tập trung, đúng giờ
– Mẹ không mất nhiều công chế biến
NHƯỢC ĐIỂM:
– Thời gian đầu bé có thể ăn được rất ít, bé tăng cân chậm
– Đồ ăn thô cũng gây nguy cơ khiến bé bị hóc nghẹn nhiều hơn
– Mẹ mất nhiều thời gian dọn dẹp mỗi khi bé kết thúc bữa ăn
– Mẹ chịu nhiều áp lực từ gia đình và người xung quanh do không hiểu đúng về phương pháp này
CÓ THỂ KẾT HỢP GIỮA CÁC PHƯƠNG PHÁP HAY KHÔNG?
Mỗi phương pháp đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, mẹ có thể lựa chọn phương pháp nào hợp với bé và điều kiện của mẹ. Mẹ có thể học cách của nhiều mẹ, tận dụng thế mạnh của mỗi phương pháp để tạo ra kiểu của riêng con, ví dụ vẫn chế biến kiểu truyền thống nhưng chú ý các bước ăn thô đúng thời điểm, cho bé ăn nhạt, cho bé ăn tập trung thay vì đi rong. Hoặc nếu mẹ đi làm, bé ở với ông bà thì ban ngày bé ăn kiểu truyền thống, còn buổi tối mẹ có thể cho bé ăn theo kiểu Nhật hoặc bé tự chỉ huy. Điều quan trọng cuối cùng là bé có được những bữa ăn ngon miệng, vui vẻ và đầy đủ dưỡng chất để phát triển